- Chuyên mục: Tư vấn luật hình sự
- Ngày đăng: 13/11/2020
- Tác giả: Ban biên tập
Xóa án tích là gì? Trường hợp nào được xóa án tích theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017? Cần chuẩn bị những giấy tờ gì để xin xóa án tích? Thủ tục xóa án tích bao gồm những bước nào? Tất cả những thắc mắc trên sẽ được Luật Thành Đô giải đáp tại bài viết này nhằm giúp người đọc có cái nhìn đầy đủ hơn về vấn đề này theo pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay.
I. XÓA ÁN TÍCH LÀ GÌ ?
Xóa án tích là một chế định mang tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam đối với những tội phạm hình sự, là việc xóa bỏ những thông tin về tiền án, tiền sự đối với người đã chấp hành xong hình phạt tù theo bản của tòa án và đạt đủ điều kiện được xóa án tích theo quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện tốt nhất về pháp lý trong quá trình hoàn lương đề gia nhập xã hội.

II. NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC XÓA ÁN TÍCH THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ
Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 thì Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án và được Tòa án cấp giấy chứng nhận hoặc ra Quyết định xóa án tích trong những trường hợp sau:
2.1. Đương nhiên được xóa án tích
“1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.” |
Đương nhiên được xóa án tích là trường hợp một người bị kết án trước đó được Pháp luật công nhận là chưa bị kết án mà không cần có sự xem xét và quyết định của Tòa án khi hội đủ các điều kiện trên.
Thời điểm được xem xét xin xóa án tích là từ khi người bị kết án được coi là chấp hành xong bản án trong các trường hợp sau: chấp hành các hình phạt chính, hình phạt bổ sung, hết thời gian thử thách của án treo, các quyết định khác của Tòa án như chấp hành các biện pháp tư pháp, đóng án phí.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hạn thời hạn quy định tại các Điểm a, b và Khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thì điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
2.2. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án
Đối với trường hợp này, người được xét xóa án tích theo quyết định của Tòa án khi hội đủ các điều kiện sau:
2.2.1. Điều kiện về tính chất của tội phạm đã thực hiện và nhân thân người bị kết án
Căn cứ theo khoản 1 Điều 71 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định khi xét xóa án tích cho người bị kết án khi:
“1. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này. Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người bị kết án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án và các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.” |
Theo đó, tội quy định tại Chương XIII là các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh tại Chương XXVI. Đây chính là hai loại tội không được pháp luật hình sự Việt Nam cho phép thuộc diện đương nhiên được xóa án tích. Bởi tính chất nghiêm trọng xâm hại đến sự tồn tại, hòa bình và an ninh của nhân loại; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ nhà nước của một hoặc nhiều quốc gia; tính mạng, sức khỏe của cộng đồng dân cư của một hoặc một số quốc gia trong một khu vực nhất định. Do vậy, đối với loại tội phạm này cần có chế tài nghiêm khắc nhất. Tuy nhiên, những người phạm tội này vẫn có cơ hội được xét xóa án tích qua quyết định của Tòa án để có thể nhanh chóng quay lại cuộc sống, tránh tái phạm.
2.2.2. Điều kiện về thời hạn được xét xóa án tích
Khoản 2 Điều 71 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định:
“2. Người bị kết án được Tòa án quyết định việc xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.”
Như vậy, chúng ta có 4 mốc thời gian cần lưu ý. Tùy vào từng trường hợp tương ứng người phạm tội sẽ được Tòa án xem xét chấp thuận nếu đã đạt điều kiện về tính chất trên.
Đặc biệt, trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hạn thời hạn quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này thì Tòa án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
Thêm vào đó, nếu người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì phải sau 01 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích.
2.3. Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt
Trường hợp này được quy định tại Điều 72 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau:
“Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.”
Đối với trường hợp này, thường Nhà nước ta sẽ thực hiện trong những dịp lễ đặc biệt như Lễ Quốc Khánh để tạo điều kiện cũng như khuyến khích những người phạm tội có mong muốn hoàn lương hoặc lập công chuộc tội.
III. HỒ SƠ XIN XÓA ÁN TÍCH VÀ THỦ TỤC XÓA ÁN TÍCH
3.1. Hồ sơ xin xoá án tích bao gồm
– Đơn xin xoá án tích. Độc giả có thể tham khảo mẫu đơn sau:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————————
……….., ngày ……tháng……..năm…….
ĐƠN XIN XÓA ÁN TÍCH
Kính gửi: Tòa án nhân dân …………………………..
Tên tôi là: ………………………..….Sinh năm:………Giới tính:…………………….
Địa chỉ thường trú:………………………………………………………………………
Địa chỉ tạm trú:…………………………………………………………………..………
Tôi là bị cáo trong vụ án hình sự………………………………………………đã được Tòa án nhân dân …………………………………………………. xét xử tại bản án số ………/…… ngày ……….tháng……..năm…….về tội……………..với mức hình phạt……….………
Đến ngày………tháng……năm………. , tôi đã chấp hành xong các quyết định của bản án.
Tôi đề nghị Tòa án nhân dân…………………………… xem xét xóa án tích cho tôi.
Kèm theo đơn xin xóa án tích là các tài liệu, giấy tờ sau:
1………………………………………………………………………………………
2………………………………………………………………………………………
3……………….………………………………………………………………………
Nhận xét của cơ quan xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm đơn cư trú hoặc làm việc |
NGƯỜI LÀM ĐƠN (ký tên ghi rõ họ tên) |
– Kèm các tài liệu như giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù của trại giam nơi thụ hình án cấp.
– Giấy xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc thi hành xong các khoản bồi thường, án phí, tiền phạt; giấy chứng nhận không phạm tội mới do Công an Quận, Huyện nơi người bị kết án thường trú cấp (theo mẫu).
– Bản sao hộ khẩu (công chứng).
– Bản sao chứng minh nhân dân (công chứng).
Đối với trường hợp xóa án tích trong trường hợp đặc biệt, ngoài các lọai tài liệu như trên, phải có văn bản đề nghị của chính quyền, cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án thường trú, công tác.
3.2. Trình tự thủ tục xin xóa án tích
– Người xin xóa án tích nộp hồ sơ xin xóa án tích tại Tòa án đã xét xử (có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường Bưu điện).
– Tòa án cấp giấy chứng nhận hoặc ra Quyết định xóa án tích và người được xóa án tích coi như chưa bị kết án.
– Tòa án đã xét xử là Tòa án có thẩm quyền xem xét cấp giấy chứng nhận xóa án tích, hoặc ra Quyết định xóa án tích.
– Người xin xóa án tích không phải nộp bất cứ khoản tiền lệ phí Tòa án nào. Trừ trường hợp xin sao quyết định xóa án tích hoặc giấy chứng nhận xóa án tích.
Lưu ý: Trường hợp đương nhiên được xóa án tích thì bạn không bắt buộc phải xin giấy chứng nhận được xóa án tích. Nhưng nếu bạn có nhu cầu ra nước ngoài hoặc đi làm việc thì bạn bắt buộc phải có giấy chứng được nhận xóa án tích này.

Tham khảo bài viết: Khi nào được tha tù trước thời hạn
Trên đây là tư vấn của Luật Thành Đô về Hồ sơ xin xóa án tích và những điều cần biết khi xin xóa án tích. Nếu còn thắc mắc cần được giải đáp quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0919 089 888 để được tư vấn hỗ trợ một cách tốt nhất.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn