Tranh chấp đất đai là hiện tượng xảy ra phổ biến trong đời sống hiện nay. Tranh chấp đất đai có nhiều phương thức giải quyết, nếu các bên tranh chấp không thể tự hòa giải thì có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân để được giải quyết. Tuy nhiên khi nào được khởi kiện và thủ tục khởi kiện theo đúng quy định pháp luật ra sao thì không phải ai cũng nắm rõ. Luật Thành Đô xin tư vấn rõ hơn về vấn đề này như sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ VỀ KHỞI KIỆN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

– Luật đất đai số 45/2013/QH13

– Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13

– Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP Hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án.

Hướng dẫn khởi kiện tranh chấp đất đai
Hướng dẫn khởi kiện tranh chấp đất đai

II. ĐIỀU KIỆN KHỞI KIỆN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Theo điều 26, điều 186, điều 187, điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và điều 2 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, khi khởi kiện vụ án tranh chấp đất đai thì người khởi kiện cần đáp ứng được các tiêu chí sau:

Thứ nhất, Người khởi kiện có quyền khởi kiện: chỉ các bên xảy ra tranh chấp đất đai mới có quyền khởi kiện hoặc phải thông qua người đại diện hợp pháp để khởi kiện (ví dụ ủy quyền bằng hợp đồng ủy quyền cho Văn phòng luật sư…)

Thứ hai, Thuộc thẩm quyền của Tòa án theo loại việc: theo khoản 9 điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai là một trong những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Thứ ba, Tranh chấp chưa được giải quyết: Tòa án chỉ thụ lý đơn khởi kiện tranh chấp đất đai nếu tranh chấp đó chưa được giải quyết, cụ thể:

– Tranh chấp chưa được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực của Tòa án

– Chưa được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (UBND cấp huyện, tỉnh)

Thứ tư, Phải được hòa giải tại UBND cấp xã:

– Tranh chấp đất đai trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất thì phải hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu muốn khởi kiện.

– Đối với các tranh chấp khác như tranh chấp giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất… thì được khởi kiện luôn tại Tòa án mà không cần thông qua thủ tục hòa giải tại UBND xã.

III. THỦ TỤC KHỞI KIỆN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

3.1. Chuẩn bị và nộp hồ sơ khởi kiện

Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Theo khoản 2 Điều 89 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì người khởi kiện cần chuẩn bị một bộ hồ sơ khởi kiện, gồm:

* Đơn khởi kiện theo mẫu:

Đơn khởi kiện được viết theo mẫu sau:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập- Tự do- Hạnh phúc

…., ngày…. tháng… năm…

ĐƠN KHỞI KIỆN

Về việc tranh chấp đất đai ( có thể ghi rõ là tranh chấp về quyền sử dụng đất hoặc tranh chấp tài sản trên đất )

Kính gửi: Tòa án nhân dân………………………………..……………………

Họ và tên người khởi kiện:………………………………………….…………

CMND số……………………….. cấp ngày …../…./….. tại…………………..

Địa chỉ:………………………………………………………………………….

Họ và tên người bị kiện:………………………………………………………..

Địa chỉ:………………………………………………………………………….

Họ và tên người có quyền và lợi ích được bảo vệ:……………………………..

Địa chỉ:…………………………………………………………………………

NỘI DUNG KHỞI KIỆN

Yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau đây:

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..………………

Họ và tên người làm chứng (nếu có):…………………………………….…….

Địa chỉ:………………………………………………………..…………………

Những tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện gồm có:

  1. ……………………………………………………………………………
  2. ………………………………………………………………..………….

(Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án)…………………………………………………………….…………

Người khởi kiện

 

 

* Biên bản hòa giải không thành có chứng nhận của UBND xã và có chữ ký của các bên tranh chấp

* Giấy tờ của người khởi kiện: Sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng…

* Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện: ai khởi kiện về vấn đề gì thì cần có tài liệu, chứng cứ chứng minh vấn đề đó. Cụ thể như sau:

– Trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại điều 100 Luật đất đai 2013 thì khi nộp đơn khởi kiện cần kèm theo các giấy tờ trên

– Trường hợp tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì nộp kèm theo những loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu

Nộp đơn khởi kiện

– Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất đang tranh chấp

– Hình thức nộp đơn:

+ Nộp trực tiếp tại Tòa án

+ Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính

+ Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án

3.2. Nhận đơn xét xử và chuẩn bị xét xử

Nhận và xử lý đơn khởi kiện

Theo khoản 3 điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

– Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

– Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;

– Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

– Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Thụ lý đơn khởi kiện

Theo điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.

– Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí.

– Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

– Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Chuẩn bị xét xử và xét xử

Theo điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án tranh chấp đất đai là 4 tháng, vụ việc phức tạp được gia hạn không quá 2 tháng; nếu không thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án thì Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử.

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Bài viết tham khảo: Chuyển đổi mục đích sử dụng đất có phải xin phép không ?

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về hướng dẫn thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0919 089 888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.

Đánh giá bài viết này