- Chuyên mục: Tư vấn luật đất đai
- Ngày đăng: 29/03/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Sang tên sổ đỏ hay chuyển quyền sử dụng đất là một trong các quyền của người sử dụng đất được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ các trường hợp nào thì không được sang tên sổ đỏ. Trong bài viết sau đây, Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn làm rõ vấn đề này.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Đất đai 2013
– Nghị định 43/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai số 45/2013/QH13
II. SỔ ĐỎ LÀ GÌ?
Sổ đỏ không phải là một thuật ngữ pháp lý mà là từ người dân hay sử dụng để gọi các loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”
Như vậy, sổ đỏ chính là giấy tờ xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất.
III. KHI NÀO ĐƯỢC SANG TÊN SỔ ĐỎ?
Khi người sử dụng đất thực hiện chuyển quyền sử dụng đất (chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, tặng cho) thì cần tiến hành sang tên sổ đỏ để xác lập quyền sử dụng đất hợp pháp cho người nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Để có thể thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, người sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 như sau:
(1) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp:
– Tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở.
– Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất.
– Trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
(2) Đất không có tranh chấp;
(3) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
(4) Trong thời hạn sử dụng đất.
Việc chuyển quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
IV. TRƯỜNG HỢP NÀO KHÔNG ĐƯỢC SANG TÊN SỔ ĐỎ?
Khi người sử dụng đất không đáp ứng được các điều kiện đã nêu ở mục II thì không được phép chuyển quyền sử dụng đất, do đó cũng không được sang tên sổ đỏ. Cụ thể đó là các trường hợp:
– Không có Giấy chứng nhận
– Đất có tranh chấp
– Quyền sử dụng đất bị kê biên để bảo đảm thi hành án
– Hết thời hạn sử dụng đất
Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, cho dù người chuyển quyền sử dụng đất đáp ứng đầy đủ các điều kiện đã nêu ở mục II nhưng người nhận chuyển quyền sử dụng đất không đáp ứng được các điều kiện luật định thì cũng không được nhận chuyển quyền sử dụng đất, không được sang tên sổ đỏ.
Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất bao gồm:
(1) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
(2) Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
(3) Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
(4) Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
Điều 192 Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện bao gồm:
(1) Hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống xen kẽ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng nhưng chưa có điều kiện chuyển ra khỏi phân khu đó thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong phân khu đó.
(2) Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó.
(3) Hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số sử dụng đất do Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất.
Bài viết cùng chủ đề Trường hợp nào không được sang tên sổ đỏ:
Hướng dẫn thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất
Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 1900 1958 để được hỗ trợ giải đáp.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn