- Chuyên mục: TƯ VẤN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
- Ngày đăng: 03/03/2021
- Tác giả: Ban biên tập
Photo sách để học là một hiện tượng khá phổ biến đối với học sinh, sinh viên. Vì giá thành photo sách rẻ hơn rất nhiều lần so với mua sách gốc. Điều này phù hợp với khả năng tài chính có hạn của các bạn học sinh, sinh viên. Thế nhưng photo sách để học liệu có vi phạm bản quyền tác giả, trong bài viết sau đây Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn trả lời câu hỏi này.

Câu hỏi của khách hàng:
Xin chào Luật sư. Luật sư cho cháu hỏi, cháu hiện đang là sinh viên đại học. Do khả năng tài chính có hạn nên cháu mượn bạn giáo trình để photo ra học. Cháu nghe nói như vậy là vi phạm pháp luật có phải vậy không ạ? Mong được Luật sư giải đáp, cháu xin chân thành cảm ơn!
Luật sư trả lời:
Chào bạn, với trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019)
– Luật khoa học và công nghệ năm 2013
– Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan
II. PHOTO SÁCH ĐỂ HỌC CÓ VI PHẠM BẢN QUYỀN KHÔNG?
Khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ định nghĩa: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.”
Quyền tác giả được bảo hộ tự động, không phải đăng ký, không phụ thuộc vào nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Cơ chế bảo hộ quyền tác giả là bảo hộ về mặt hình thức thể hiện tác phẩm, chống lại sự sao chép tác phẩm và không bảo hộ về mặt nội dung, ý tưởng.
Trước hết, chúng tôi cần khẳng định với bạn rằng, giáo trình thuộc loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ: “Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác.”
Mặt khác, Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ quy định:
1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
a) Làm tác phẩm phái sinh;
b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
c) Sao chép tác phẩm;
d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm các quyền nhân thân và các quyền tài sản. Và sao chép tác phẩm là một trong số các quyền tài sản. Người không phải tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả chỉ được thực hiện quyền này khi được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cho phép, và phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Khoản 1 Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ có quy định một số trường hợp sao chép tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao như sau:
“a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân.
đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu.”
Việc bạn tự ý photo giáo trình để học chính là hành vi sao chép tác phẩm. Dễ dàng nhận thấy hình vi này của bạn không thuộc trường hợp sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu nhưng liệu có thuộc trường hợp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 25 hay không, chúng ta hãy cùng xem xét.
Khoản 4 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013 định nghĩa:
“Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn.”
Như vậy, việc bạn photo giáo trình để học không phải là tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, cũng không phải nhằm mục đích giảng dạy. Do đó hành vi của bạn không thuộc trường hợp được phép sao chép tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Từ những phân tích ở trên, chúng tôi có thể kết luận rằng hành vi photo giáo trình để học của bạn có xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm giáo trình.
Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 131/2013, đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm, bạn có thể bị:
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
– Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Các bài viết liên quan:
Có được đặt tên quán ăn trùng nhau không
Hướng dẫn thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa
Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 1900 1958 để được hỗ trợ giải đáp.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn