Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế đang ngày càng phải triển, thu hút nguồn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài. Các cá nhân, tổ chức nước ngoài muốn đến Việt Nam để thành lập các tổ chức kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam sẽ chọn các loại hình doanh nghiệp để thành lập và bắt đầu hoạt động kinh doanh. Một loại thủ tục hành chính bắt buộc là thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Để quý khách hàng nắm rõ hơn các quy định về thủ tục này, Luật Thành Đô giới thiệu bài viết: “Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài”.

Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật đầu tư 2020;

– Luật doanh nghiệp 2020;

– Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư;

– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;

– Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định biểu mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư;

– Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp;

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

II. ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Khi thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt nam, các nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau:

(1) Nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty tại Việt Nam phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài:

– Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của NĐT nước ngoài trong tổ chức kinh tế;

– Hình thức đầu tư;

– Phạm vi hoạt động đầu tư;

– Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;

– Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

(2) Trước khi thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

III. THẨM QUYỀN XIN CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI DỰ ĐẦU TƯ CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI

3.1. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội

Quốc hội có thẩm quyền quyết định chủ trương đối với các dự án đầu tư thuộc trường hợp quy định tại Điều 30 Luật Đầu tư. Cụ thể là các dự án:

– Dự án đầu tư ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:

+ Nhà máy điện hạt nhân;

+ Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên;

– Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên;

– Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở vùng khác;

– Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

3.2. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Chính phủ

Chính phủ có thẩm quyền quyết định chủ trương đối với các dự án đầu tư thuộc trường hợp được quy định tại Điều 31 Luật đầu tư. Cụ thể bao gồm các dự án đầu tư sau:

– Dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác;

+ Dự án đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hóa của cảng hàng không, sân bay có công suất từ 01 triệu tấn/năm trở lên;

+ Dự án đầu tư mới kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không;

+ Dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I;

+ Dự án đầu tư chế biến dầu khí;

+ Dự án đầu tư có kinh doanh đặt cược, ca-si-nô (casino), trừ kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài;

+ Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50 ha nhưng quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị; dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 100 ha nhưng quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt;

+ Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất;

– Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, trồng rừng, xuất bản, báo chí;

– Dự án đầu tư đồng thời thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 02 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên;

– Dự án đầu tư khác thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.

3.3. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định chủ trương đối với các dự án đầu tư thuộc trường hợp quy định tại Điều 32 Luật Đầu tư. Cụ thể các dự án đầu tư bao gồm:

– Dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân không thuộc diện phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai;

– Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất dưới 50 ha và có quy mô dân số dưới 15.000 người tại khu vực đô thị; dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất dưới 100 ha và có quy mô dân số dưới 10.000 người tại khu vực không phải là đô thị; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị) của đô thị loại đặc biệt;

– Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn (golf);

– Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

IV. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Theo quy định tại Điều 37 Luật đầu tư năm 2020 thì nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập công ty ở Việt Nam sẽ phải tiến hành thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

4.1. Trường hợp dự án đầu tư không phải xin quyết định chủ trương

Bước 1: Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

– Chuẩn bị hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

– Nộp 01 hồ sơ đến cơ quan đăng ký đầu tư:

+ Sở kế hoạch và đầu tư nơi dự kiến đặt trụ sở chính

+ Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (Sau đây gọi chung là KCN)

– Giải trình về hồ sơ, điều kiện cấp phép (nếu có);

– Sau 15 ngày làm việc: Nhận kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Thông báo sửa đổi/bổ sung hồ sơ

Bước 2: Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

– Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

– Nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký kinh doanh: Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương;

– Giải trình, cung cấp các tài liệu khác (nếu có);

– Nhận kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Thông báo sửa đổi/bổ sung hồ sơ;

– Thực hiện thủ tục sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:

+ Khắc dấu công ty;

+ Kê khai, nộp thuế môn bài;

+ Thực hiện thủ tục phát hành hoá đơn;

4.2. Trường hợp dự án đầu tư phải xin quyết định chủ trương

4.2.1. Thủ tục xin giấy chứng nhận đăng ký đâu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ

– Chuẩn bị hồ sơ xin quyết định chủ trương;

– Nộp 08 hồ sơ xin quyết định chủ trương tại Bộ kế hoạch và đầu tư

– Giải trình về hồ sơ xin quyết định chủ trương (nếu có);

– Sau 63 ngày làm việc: Nhận kết quả là Quyết định chủ trương đầu tư của nhà đầu tư/ Thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ;

– Sau 5 ngày làm việc: Nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

4.2.2. Thủ tục xin giấy chứng nhận đăng ký đâu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

– Chuẩn bị hồ sơ xin quyết định chủ trương;

– Nộp 04 hồ sơ xin quyết định chủ trương tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố

– Giải trình về hồ sơ xin quyết định chủ trương (nếu có);

– Sau 35 ngày làm việc: Nhận kết quả là Quyết định chủ trương đầu tư của nhà đầu tư/ Thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ;

– Sau 5 ngày làm việc: Nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

4.2.3. Thủ tục xin giấy chứng nhận đăng ký đâu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ban quản lý các KCN

– Chuẩn bị hồ sơ xin quyết định chủ trương;

– Nộp 04 hồ sơ xin quyết định chủ trương tại Ban quản lý các KCN

– Giải trình về hồ sơ xin quyết định chủ trương (nếu có);

– Sau 35 ngày làm việc: Nhận kết quả là Quyết định chủ trương đầu tư của nhà đầu tư/ Thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ;

– Sau 5 ngày làm việc: Nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Sau đó nhà đầu tư xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như bước 2 mục 4.1.

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

V. HỒ SƠ THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

5.1. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

(1) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;

(2) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

(3) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

(4) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;

(5) Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

(6) Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

(7) Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;

(8) Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).

5.2. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

(1) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

(2) Điều lệ công ty;

(3) Danh sách thành viên đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty hợp danh; Danh sách cổ đông sáng lập, danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần;

(4) Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu) đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là cá nhân; Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức;

(5) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

(6) Văn bản ủy quyền trong trường hợp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục.

Bài viết cùng chủ đề:

công ty có vốn nước ngoài kinh doanh vận tải biển

công ty có vốn nước ngoài kinh doanh dịch vụ dạy nghề

Trên đây là bài viết của Luật Thành Đô về điều kiện, thủ tục và hồ sơ thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Quý khách hàng tham khảo bài viết, nếu có bất kỳ vướng mắc nào liên quan vui lòng liên hệ Luật Thành Đô để được tư vấn và giải đáp.

5/5 - (1 bình chọn)