Hiện nay vì nhiều lý do, có nhiều người chưa kết hôn với nhau nhưng lại có con chung. Điều này liệu có ảnh hưởng gì đến việc khai sinh cho con không? Thủ tục đăng ký khai sinh cho con khi cha mẹ chưa đăng ký kết hôn được thực hiện như thế nào? Trong bài viết sau đây, Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn giải đáp vấn đề này.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật dân sự 2015

– Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch

– Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch

Chưa đăng ký kết hôn có được khai sinh cho con không
Chưa đăng ký kết hôn có được khai sinh cho con không

II. CHƯA ĐĂNG KÝ KẾT HÔN CÓ ĐƯỢC KHAI SINH CHO CON KHÔNG?

Điều 30 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

1. Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh.

2. Cá nhân chết phải được khai tử.

3. Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.

Quyền được khai sinh là quyền của mọi cá nhân từ khi sinh ra. Do đó việc cha mẹ có đăng ký kết hôn hay không không ảnh hưởng đến việc đăng ký khai sinh cho con.

Khoản 2, khoản 3 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:

2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

Trong trường hợp cha mẹ chưa đăng ký kết hôn thì khi đăng ký khai sinh cho con có thể tiến hành thủ tục đăng ký khai sinh bỏ trống tên cha hoặc thủ tục đăng ký khai sinh có tên cha.

Trường hợp bỏ trống tên cha, họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con sẽ được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ.

Trường hợp tiến hành thủ tục đăng ký khai sinh có tên cha thì cần tiến hành kết hợp thủ tục nhận cha, mẹ, con.

III. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KHAI SINH CHO CON KHI CHA MẸ CHƯA ĐĂNG KÝ KẾT HÔN

3.1. Thủ tục đăng ký khai sinh bỏ trống tên cha

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Đầu tiên, người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho con cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bao gồm:

– Tờ khai khai sinh theo mẫu

– Bản chính giấy chứng sinh; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

– Văn bản ủy quyền (được chứng thực) theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh.

Khi đi nộp hồ sơ, cần xuất trình các giấy tờ sau:

– Căn cước công dân / chứng minh nhân dân / hộ chiếu / giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng.

– Giấy tờ chứng minh nơi cư trú.

– Trong trường hợp gửi hồ sơ qua bưu điện thì phải gửi kèm bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình trên.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Địa điểm nộp hồ sơ: UBND cấp xã nơi cư trú. Có thể đến nộp trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến.

Bước 3: Trả kết quả

Chủ tịch UBND cấp xã ký 01 bản chính Giấy khai sinh, số lượng bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu.

Thời hạn giải quyết: ngay trong ngày tiếp nhận yêu cầu, trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.

Lệ phí:

– Đối với trường hợp đăng ký khai sinh không đúng hạn: theo mức thu lệ phí do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.

– Miễn lệ phí đối với trường hợp khai sinh đúng hạn, người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật.

3.2. Thủ tục đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Người có yêu cầu cần chuẩn bị các hồ sơ như trường hợp trên và thêm các giấy tờ sau đây:

– Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu

– Giấy tờ, đồ vật hoặc chứng cứ khác chứng minh quan hệ cha, con hoặc quan hệ mẹ, con gồm:

+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

+ Trường hợp không có văn bản trên thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người có yêu cầu đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con đến nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ.

Lưu ý: không được ủy quyền nộp thay hồ sơ

Bước 3: Nhận kết quả

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh và Trích lục nhận cha, mẹ, con cho người yêu cầu.

Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc, trường hợp phải xác minh thì không quá 08 ngày làm việc.

Lệ phí: Theo mức thu lệ phí do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định. Miễn lệ phí đối với trường hợp đăng ký khai sinh đúng hạn; người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật.

Bài viết cùng chủ đề Chưa đăng ký kết hôn có được khai sinh cho con không:

Thủ tục tách và chuyển hộ khẩu khi ly hôn

Giải quyết ly hôn khi chồng đang ở nước ngoài

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô về Chưa đăng ký kết hôn có được khai sinh cho con không, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 0919.089.888 để được hỗ trợ giải đáp.

5/5 - (1 bình chọn)