Một trong những điều kiện để trở thành một kiểm toán viên tiêu chuẩn là cần phải có chứng chỉ kiểm toán viên. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thắc mắc làm sao để có được chứng chỉ kiểm toán viên, đăng ký dự thi chứng chỉ này như thế nào, cần những điều kiện gì?

Để giải đáp cho những thắc mắc liên quan đến vấn đề này, Luật Thành Đô trân trọng gửi tới Quý độc giả bài viết Trình tự, thủ tục dự thi chứng chỉ kiểm toán viên.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12;

– Nghị định số 17/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kiểm toán độc lập;

– Thông tư số 91/2017/TT-BTC quy định về việc thi, cấp, quản lý chứng chỉ kiểm toán viên và chứng chỉ kế toán viên;

– Quyết định số 286/QĐ-BTC năm 2018 về việc công bố thủ tục hành chính thay thế lĩnh vực hoạt động kế toán, kiểm toán thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính;

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Dự thi chứng chỉ kiểm toán viên (ảnh minh họa)
Dự thi chứng chỉ kiểm toán viên (ảnh minh họa)

II. ĐIỀU KIỆN DỰ THI CHỨNG CHỈ KIỂM TOÁN VIÊN

Trước khi thực hiện thủ tục đăng ký dự thi, người có nhu cầu dự thi cần phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

(1). Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

(2). Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực và khách quan;

(3). Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng, Kế toán; Kiểm toán; hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác với tổng số đơn vị học trình (tiết học) các môn học: Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích hoạt động tài chính, Thuế từ 7% trở lên trên tổng số học trình (tiết học) cả khóa học; hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác và có văn bằng, chứng chỉ hoàn thành các khóa học do Tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán cấp, và phải đảm bảo các điều kiện như:

  • Tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán cấp văn bằng, chứng chỉ phải là thành viên của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) đã thành lập văn phòng đại diện hoặc chi nhánh hoạt động tại Việt Nam;
  • Tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán đã ký thỏa thuận hợp tác về chương trình thi phối hợp cấp chứng chỉ kiểm toán viên chuyên nghiệp với Bộ Tài chính Việt Nam;
  • Chương trình, nội dung các khoá học được cấp văn bằng, chứng chỉ phải có tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) về tài chính, kế toán, kiểm toán từ 500 đến 600 tiết học;
  • Nội dung học, thi và cấp văn bằng, chứng chỉ cho học viên khi hoàn thành các khoá học phải được thực hiện thống nhất ở tất cả các quốc gia nơi Tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh hoạt động.

(4). Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán tối thiểu 36 tháng, được tính trong khoảng thời gian từ tháng tốt nghiệp ghi trên bằng tốt nghiệp đại học (hoặc sau đại học) đến thời điểm đăng ký dự thi;

(5). Không thuộc các đối tượng sau đây:

  • Người chưa thành niên; người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
  • Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.

(6). Nộp đầy đủ, đúng mẫu hồ sơ dự thi và chi phí dự thi theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Đối với thời gian công tác thực tế về kiểm toán bao gồm thời gian làm trợ lý kiểm toán tại doanh nghiệp kiểm toán, thời gian làm kiểm toán nội bộ tại bộ phận kiểm toán nội bộ của đơn vị, thời gian làm kiểm toán tại cơ quan Kiểm toán Nhà nước.

III. HỒ SƠ DỰ THI CHỨNG CHỈ KIỂM TOÁN VIÊN

Người có nhu cầu dự thi chứng chỉ kiểm toán viên cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ dự thi bao gồm đầy đủ các loại giấy tờ sau:

– Phiếu đăng ký dự thi có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc của Ủy ban nhân dân địa phương nơi cư trú, có dán ảnh màu cỡ 3×4 và đóng dấu giáp lai (Thực hiện theo mẫu số 02b được quy định kèm theo Thông tư số 91/2017/TT-BTC);

– Giấy xác nhận về thời gian công tác thực tế làm tài chính, kế toán, kiểm toán có chữ ký của người đại diện theo pháp luật (hoặc người được ủy quyền) và đóng dấu xác nhận của cơ quan, đơn vị (thực hiện theo mẫu số 06 được quy định kèm theo Thông tư số 91/2017/TT-BTC);

– Bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu;

– Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi công tác hoặc Ủy ban nhân dân địa phương nơi cư trú;

– Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ liên quan có xác nhận của tổ chức cấp hoặc cơ quan công chứng. Nếu là bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác thì phải nộp kèm theo bảng điểm có chứng thực ghi rõ số đơn vị học trình (tiết học) của tất cả các môn học. Trường hợp người dự thi nộp bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì phải nộp kèm theo bảng điểm học thạc sỹ, tiến sỹ có ghi rõ ngành học có chứng thực;

– 3 ảnh màu cỡ 3x4cm mới chụp trong vòng 6 tháng và 02 phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người nhận.

IV. QUY TRÌNH THI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KIỂM TOÁN VIÊN

Thứ nhất, người dự thi cần nộp bộ hồ sơ dự thi đã chuẩn bị cho Hội đồng thi hoặc đơn vị được Hội đồng thi ủy quyền trong thời hạn theo thông báo của Hội đồng thi.

Khi nộp hồ sơ người đăng ký dự thi còn phải nộp chi phí dự thi với 200.000 đồng/1 môn thi (7 môn thi)

Thứ hai, trước ngày thi ít nhất 60 ngày, Hội đồng thi sẽ thông báo chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng về điều kiện, tiêu chuẩn, thời gian, địa điểm và các thông tin cần thiết khác liên quan đến kỳ thi.

Người dự thi chứng chỉ kiểm toán viên sẽ thi 7 môn thi sau:

– Pháp luật về kinh tế và Luật doanh nghiệp;

– Tài chính và quản lý tài chính nâng cao;

– Thuế và quản lý thuế nâng cao;

– Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao;

– Kiểm toán và dịch vụ bảo đảm nâng cao;

– Phân tích hoạt động tài chính nâng cao;

– Ngoại ngữ trình độ C của 01 trong 05 ngoại ngữ thông dụng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức.

Trong đó nội dung từng môn thi sẽ bao gồm cả phần lý thuyết và phần ứng dụng vào bài tập tình huống.

Thứ ba, trong thời hạn chậm nhất 60 ngày kể từ ngày kết thúc thi, Hội đồng thi phải công bố kết quả thi từng môn thi và thông báo cho người dự thi. Trường hợp đặc biệt cần kéo dài thời gian công bố, Chủ tịch Hội đồng thi quyết định nhưng thời gian kéo dài không quá 30 ngày.

Với mỗi môn thi đạt yêu cầu, người dự thi sẽ phải đạt từ 5 điểm trở lên. Như vậy để đạt yêu cầu thi chứng chỉ kiểm toán viên thì người dự thi phải đạt yêu cầu cả 7 môn thi và có tổng số điểm các môn thi còn được bảo lưu (trừ môn thi Ngoại ngữ) từ 38 điểm trở lên.

Thứ tư, những người dự thi đạt yêu cầu bài thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên thì trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày có kết quả thi, sẽ được Bộ Tài chính cấp chứng chỉ kiểm toán viên.

Lưu ý: Chứng chỉ kiểm toán viên có giá trị pháp lý để đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định của pháp luật hiện hành về hành nghề kiểm toán.

Bài viết liên quan:

Điều kiện và thủ tục xin chứng chỉ hành nghề dược

Thủ tục hưởng trợ cấp COVID-19 đối với người lao động thất nghiệp

Trên đây là toàn bộ bài viết về trình tự, thủ tục dự thi chứng chỉ kiểm toán viên. Nếu Quý độc giả còn có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ Công ty Luật Thành Đô để được tư vấn và giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết này