- Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp
- Ngày đăng: 09/06/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được lập ra nhằm mục đích đào tạoi các trình độ cơ bản và các chương trình đào tạo nghề cho người lao động. Pháp luật quy định Trường hợp cơ sở giáo dục nghề nghiệp có các hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Vậy các cơ sở này sẽ bị đình chỉ giáo dục nghề nghiệp trong các trường hợp cụ thể nào?
Luật Thành Đô trân trọng giới thiệu bài viết về “Các trường hợp bị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp” để giúp khách hàng đang quan tâm hiểu rõ hơn về vấn đề này..
I. Cơ sở pháp lý
Luật giáo dục nghề nghiệp 2014;
Nghị định số 143/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

II. Các trường hợp bị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp
Theo Khoản 1 Điều 3 Luật giáo dục nghề nghiệp 2014: “Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.”
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp; Trường trung cấp; Trường cao đẳng. Theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức theo các loại hình: Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư, Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Các trường hợp bị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp được quy định tại Điều 20 Luật giáo dục nghề nghiệp 2014:
– Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hành vi gian lận để được thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp;
– Không bảo đảm một trong các điều kiện thành lập cơ sở như các điều kiện về việc có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập; có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, có đủ chương trình đào tạo và giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định; có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp đạt tiêu chuẩn; có đủ nguồn lực tài chính theo quy định và có điều lệ, quy chế tổ chức, hoạt động.
– Tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp;
– Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ hoạt động.
Nếu Cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì sẽ bị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp
Nhằm đảm bảo việc đình chỉ được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải xác định rõ lý do đình chỉ, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm lợi ích hợp pháp của nhà giáo, viên chức, người lao động và người học. Đồng thời quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Thẩm quyền đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp thuộc về:
– Tổng cục Dạy nghề cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học.
– Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
III. Thủ tục đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp
Theo Điều 21 Nghị định số 143/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thì thủ tục đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp được thực hiện như sau:
– Bước 1: Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vi phạm một trong những trường hợp phải đình chỉ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tổ chức kiểm tra để đánh giá mức độ vi phạm.
– Bước 2: Căn cứ mức độ vi phạm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp cơ quan có thẩm quyền quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Theo quy định, quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải xác định rõ lý do đình chỉ, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm lợi ích hợp pháp của người học, giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên và người lao động.
– Bước 3: Thông báo đến cơ quan liên quan về quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp để phối hợp thực hiện, đồng thời công bố công khai quyết định đình chỉ này trên phương tiện thông tin đại chúng.
Lưu ý: Sau thời hạn đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nếu nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ được khắc phục thì cơ quan có thẩm quyền quyết định đình chỉ ra quyết định cho phép tiếp tục hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Như vậy, qua phân tích trên có thể thấy, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nếu vi phạm một trong những trường hợp phải đình chỉ thì sẽ bị Tổng cục Dạy nghề hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trình tự và thủ tục đình chỉ được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Bài viết cùng chủ đề:
Thủ tục giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
Thủ tục đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm
Trên đây, là bài viết của Luật Thành Đô về “Các trường hợp bị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp”. Đến với Luật Thành Đô, Quý khách sẽ được tư vấn chi tiết và đồng hành trong suốt quá trình hoạt động của Công ty.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn