Bảo hiểm là hình thức bảo vệ người tham gia bảo hiểm khỏi các rủi ro về sức khỏe, tài chính nếu người tham gia bị thiệt hại không do cố ý. Dựa trên sự cần thiết của bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được lập ra ngày càng nhiều. Để doanh nghiệp bảo hiểm có thể đi vào hoạt động thì doanh nghiệp cần được cấp giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm.

Vậy hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm được quy định như thế nào? Sau đây Luật Thành Đô trân trọng giới thiệu bài viết về “Hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm” để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

I. CƠ SỞ PHÁP LUẬT

Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 sửa đổi bổ sung 2010;

Nghị định số 73/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành luật kinh doanh bảo hiểm và luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật kinh doanh bảo hiểm.

II. ĐIỀU KIỆN CHUNG ĐỂ ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM

Theo Điều 6 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành luật kinh doanh bảo hiểm và luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật kinh doanh bảo hiểm thì điều kiện chung để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm được quy định cụ thể như sau:

Đối với tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn: Tổ chức, cá nhân góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn phải góp vốn bằng tiền và không được sử dụng vốn vay, vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn;

+ Tổ chức tham gia góp vốn từ 10% vốn điều lệ trở lên phải hoạt động kinh doanh có lãi trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;

+ Tổ chức tham gia góp vốn hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định phải bảo đảm vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn dự kiến góp;

+ Trường hợp tổ chức tham gia góp vốn là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán thì các tổ chức này phải bảo đảm duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép tham gia góp vốn theo quy định pháp luật chuyên ngành.

Các điều kiện trên là các điều kiện cơ bản để một doanh nghiệp có thể được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài ra doanh nghiệp cần có đủ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy thì mới đáp ứng đủ các điều kiện. Trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng một trong các điều kiện nêu trên thì doanh nghiệp sẽ không được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động.

Hồ sơ cấp phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm
Hồ sơ cấp phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm

III. HỒ SƠ XIN CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM

Tại Điều 15 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành luật kinh doanh bảo hiểm và luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật kinh doanh bảo hiểm quy định về hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm như sau:

(1) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty cổ phần bảo hiểm đối với doanh nghiêp bảo hiểm tổ chức theo hình thức công ty cổ phần (Điều 12 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP)

(2) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiêp bảo hiểm tổ chức theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn (Điều 11 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP)

Cụ thể bao gồm các văn bản, tài liệu sau”

– Văn bản đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu do Bộ Tài chính quy định.

– Dự thảo Điều lệ công ty theo quy định tại Điều 25 Luật doanh nghiệp.

– Phương án hoạt động 05 năm đầu phù hợp với lĩnh vực kinh doanh đề nghị cấp Giấy phép, trong đó nêu rõ thị trường mục tiêu, kênh phân phối, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình tái bảo hiểm, đầu tư vốn, hiệu quả kinh doanh, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.

– Bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác; lý lịch tư pháp, lý lịch, bản sao văn bằng, chứng chỉ của người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Công ty hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, chuyên gia tính toán hoặc chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán, kế toán trưởng của doanh nghiệp bảo hiểm.

– Danh sách cổ đông sáng lập/thành viên sáng lập hoặc góp từ 10% vốn điều lệ trở lên và các giấy tờ kèm theo các giấy tờ khác.

– Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm dự kiến triển khai.

– Xác nhận của ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam về mức vốn điều lệ gửi tại tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng.

– Hợp đồng hợp tác theo quy định tại Điều 19 Luật doanh nghiệp (đối với trường hợp tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài cùng góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên).

– Biên bản họp của các cổ đông/thành viên góp vốn (đối với hồ sơ đề nghị thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên) về việc:

+ Nhất trí góp vốn thành lập công;

+ Thông qua dự thảo Điều lệ công ty.

– Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức nước ngoài góp vốn đóng trụ sở chính xác nhận:

+ Tổ chức nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam. Trường hợp quy định của nước nơi tổ chức nước ngoài đóng trụ sở chính không yêu cầu phải có văn bản chấp thuận thì phải có bằng chứng xác nhận việc này;

+ Tổ chức nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực dự kiến tiến hành hoạt động ở Việt Nam;

+ Tổ chức nước ngoài đang trong tình trạng tài chính lành mạnh và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý tại nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính;

+ Không vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm của nước nơi tổ chức nước ngoài đóng trụ sở chính trong thời hạn 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

– Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức Việt Nam góp vốn đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được phép góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định pháp luật chuyên ngành.

– Văn bản cam kết của các thành viên góp vốn đối với việc đáp ứng điều kiện để được cấp Giấy phép

– Văn bản về việc ủy quyền cho một cá nhân, tổ chức thay mặt thành viên góp vốn để thực hiện các thủ tục đề nghị cấp Giấy phép.

Lưu ý:

– Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép được lập thành 03 bộ trong đó có 01 bộ là bản chính, 02 bộ là bản sao;

– Đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép của tổ chức, cá nhân nước ngoài, mỗi bộ gồm 01 bản bằng tiếng Việt và 01 bản bằng tiếng Anh. Các tài liệu có chữ ký, chức danh, con dấu của nước ngoài tại hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép phải được hợp pháp hóa lãnh sự. Các bản sao tiếng Việt và các bản dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt phải được cơ quan công chứng Việt Nam xác nhận theo quy định pháp luật về công chứng. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

– Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm được nộp cho Bộ Tài chính

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp Giấy phép cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Như vậy, doanh nghiệp muốn kinh doanh bảp hiểm phải đáp ứng các điều kiện về thành lập doanh nghiệp bảo hiểm và phải được cấp giấy Giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm. Doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các hồ sơ thủ tục đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm lên Bộ Tài chính để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động.

5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Bài viết liên quan:

Thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

Trên đây, là bài viết của Luật Thành Đô về “Hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm”. Đến với Luật Thành Đô, Quý khách sẽ được tư vấn chi tiết và đồng hành trong suốt quá trình hoạt động của Công ty.

5/5 - (1 bình chọn)