Nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, pháp luật hiện nay quy định vợ chồng có nghĩa vụ phải yêu thương, thủy chung với nhau. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có không ít những trường hợp vợ, chồng có hành vi gian dối, ngoại tình, chung sống như vợ chồng với người khác khiến đời sống hôn nhân trở nên khó khăn, không thể dung hòa. Rất nhiều cuộc hôn nhân đã bị đổ vỡ vì lý do đó. Vậy thủ tục ly hôn khi vợ hoặc chồng ngoại tình được tiến hành như thế nào? Luật Thành Đô xin tư vấn cụ thể vấn đề này như sau:

Câu hỏi: Xin chào luật sư. Vợ chồng tôi đã kết hôn được 3 năm. Gần đây tôi phát hiện chồng mình đang ngoại tình với người khác và tôi muốn nộp đơn ly hôn thì cần thực hiện như thế nào?

Ly hôn khi chồng ngoại tình phải làm như thế nào ?
Ly hôn khi chồng ngoại tình phải làm như thế nào ?

Luật sư trả lời:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ VỀ LY HÔN KHI CHỒNG NGOẠI TÌNH

– Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13;

– Bộ Luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13;

– Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

II. LY HÔN THEO YÊU CẦU CỦA MỘT BÊN

Theo Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.

Đồng thời, Khoản 1 Điều 56 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:

Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không thể đạt được.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Tòa án khi tiếp nhận đơn ly hôn đơn phương sẽ tiến hành hòa giải tại tòa. Nếu hòa giải không thành sẽ tiến hành thủ tục ly hôn.

Cơ sở để Tòa giải quyết những trường hợp ly hôn đơn phương là một trong các bên có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, không thể tiếp tục kéo dài.

Tình trạng hôn nhân trầm trọng có thể được xác định trên những cơ sở sau:

Thứ nhất, về mặt tình cảm, hai vợ chồng không còn tình cảm với nhau, không còn thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau. Khi cuộc sống hôn nhân mà cả hai bên không còn tình cảm, không có sự tôn trọng, quan tâm nhau thì tình trạng của cuộc hôn nhân này nên được xem xét.

Thứ hai, về mặt hành vi, vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau. Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007 quy định một số hành vi bạo lực sau đây:

+ Hành vi đánh đập hoặc cố ý xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng.

+ Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau.

+ Cưỡng ép lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính,…

Thứ ba, về mặt sự chung thủy, không chung thủy thể hiện ở chỗ vợ, chồng có hành vi ngoại tình, chung sống như vợ chồng với một người khác mặc dù mình đang có gia đình. Tuy họ đã được người còn lại hoặc bà con thân thích hay cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình.

Do vậy, trong trường hợp chồng bạn có hành vi ngoại tình, mặc dù đã được nhắc nhở nhưng vẫn tiếp tục, tức chồng bạn đã vi phạm nghĩa vụ vợ chồng phải thủy chung, tình cảm vợ chồng đã rạn nứt và bạn cảm thấy không thể tiếp tục chung sống được nữa thì có thể đơn phương nộp đơn xin ly hôn.

Nếu chồng bạn đồng ý ly hôn và không tranh chấp gì thêm thì sẽ thuộc trường hợp ly hôn thuận tình, hai bạn có thể thỏa thuận ly hôn tại tòa. Nếu chồng bạn không đồng ý ly hôn thì bạn phải đưa ra các chứng cứ chứng minh hành vi ngoại tình của chồng. Theo điều 94 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015, nguồn của chứng cứ bao gồm:

+ Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.

+ Vật chứng.

+ Lời khai của đương sự.

+ Lời khai của người làm chứng.

+ Kết luận giám định.

+ Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.

+ Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.

+ Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.

+ Văn bản công chứng, chứng thực.

+ Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP:

Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.

Để yêu cầu ly hôn của bạn có thể được Tòa án giải quyết, việc chứng minh được lỗi ngoại tình của chồng bạn là vô cùng quan trọng. Bạn cần nộp cho Tòa những bằng chứng ngoại tình của chồng (có thể được thể hiện bằng hình ảnh, băng ghi hình hoặc người làm chứng…).

II. THỦ TỤC LY HÔN ĐƠN PHƯƠNG

2.1. Nộp hồ sơ xin ly hôn cho tòa án

Theo quy định tại Điều 26, Điều 35, Điều 39 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 thì ly hôn theo yêu cầu của một bên khi phát hiện người kia ngoại tình sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện nơi mà người chồng cư trú. Bạn có yêu cầu ly hôn sẽ nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) của chồng bạn hoặc TAND nơi làm việc của chồng bạn (nếu không xác định được nơi cư trú).

Hồ sơ ly hôn bao gồm:

– Đơn xin ly hôn theo mẫu của Tòa án.

– Các tài liệu cần nộp theo đơn:

+ Bản chính giấy chứng nhận kết hôn (nếu mất bản chính thì phải có bản sao của Ủy ban nơi đăng ký kết hôn cấp)

+ Bản sao hợp lệ giấy khai sinh của các con chung

+ Bản sao có công chứng sổ hộ khẩu. Nếu tạm trú thì phải có giấy khai báo tạm trú hoặc xác nhận của công an nơi tạm trú

+ Bản sao có công chứng giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân

+ Giấy xác nhận mức lương tháng của cơ quan đơn vị nơi người khởi kiện công tác làm việc

+ Biên bản hòa giải giải quyết mâu thuẫn vợ chồng của cơ quan, đơn vị, gia đình hoặc địa phương (nếu có)

+ Bản sao có công chứng giấy tờ về nhà đất, tài sản khác như: Giấy chứng nhận đăng ký xe; sổ tiết kiệm, giấy chứng nhận vốn góp, cổ phiếu…(của vợ chồng)

+ Tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ.

2.2. Tòa án tiếp nhận và xử lý đơn xin ly hôn

Theo điều 91 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015, sau khi nhận đơn cùng hồ sơ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Chánh Tòa án phân công Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán sẽ xem xét và kiểm tra đơn. Nếu thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý, Thẩm phán được phân công sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm.

Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì yêu cầu người nộp đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện. Mức án phí ly hôn đơn phương ở cấp sơ thẩm là 300.000 đồng (nếu không có tranh chấp về tài sản). Nếu có tranh chấp tài sản thì áp dụng án phí có giá ngạch tương ứng với tỉ lệ tài sản.

Khi nhận được thông báo nộp án phí của Tòa, người nộp đơn đi nộp tiền tại Chi cục thi hành án Quận/huyện và nộp lại biên lai cho Tòa án. Sau đó Tòa án sẽ ra thông báo thụ lý vụ án.

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Bài viết tham khảo: Trách nhiệm trả nợ sau khi ly hôn

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về thủ tục nộp đơn ly hôn khi chồng ngoại tình. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0919 089 888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.

Đánh giá bài viết này