- Chuyên mục: Tư vấn đầu tư
- Ngày đăng: 08/01/2021
- Tác giả: Ban biên tập
Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh ngày càng đa dạng, trong đó lĩnh vực y tế, khám chữa bệnh cũng là lĩnh vực thu hút đông đảo các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư. Vậy nhà đầu tư nước ngoài nếu muốn thành lập bệnh viện tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục như thế nào, thông qua hình thức đầu tư cụ thể nào? Bài viết dưới đây của Công ty Luật Thành Đô sẽ giúp các nhà đầu tư nắm rõ các quy định trên của pháp luật hiện hành.
I. VĂN BẢN PHÁP LUẬT
– Luật Đầu tư năm 2020;
– Luật doanh nghiệp năm 2020;
– Luật khám chữa bệnh năm 2009;
– Nghị định số 109/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2016 Quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
– Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2018 Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;
– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

II. THỦ TỤC THÀNH LẬP BỆNH VIỆN CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Theo quy định tại Biểu cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO số WT/ACC/48/Add.2, ngày 27/10/2006, đối với dịch vụ y tế và xã hội, thì dịch vụ bệnh viện (CPC 9311): Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập bệnh viện 100% vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh với đối tác Việt Nam hoặc thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh.Vốn đầu tư tối thiểu cho một bệnh viện là 20 triệu đô la Mỹ.
Vì vậy, theo quy định tại Biểu cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO, đối với dịch vụ bệnh viện là không hạn chế, ngoại trừ vốn đầu tư tối thiểu cho một bệnh viện là 20 triệu đô la Mỹ. Hiện tại pháp luật Việt Nam không quy định điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, do đó thủ tục thành lập bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài tuân thủ trình tự thủ tục, điều kiện và danh mục hồ sơ như sau:
(1) Bước 1: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
(2) Bước 2: Xin cấp Giấy phép hoạt động đối với bệnh viện
(3) Bước 3: Thành lập doanh nghiệp theo quy định.
2.1. Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi thành lập bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài
– Trình tự thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư
Nhà đầu tư nước ngoài tham gia thành lập bệnh viện có thể lựa chọn các hình thức đầu tư sau theo quy định tại Điều 21 Luật đầu tư năm 2020, bao gồm: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; Thực hiện dự án đầu tư; Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC; Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Căn cứ khoản 1 điều 37 Luật đầu tư năm 2020 quy định về các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như sau:
Điều 37. Trường hợp thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
1.Các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
a) Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;
b) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này.
Theo đó, trước khi thành lập doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư để được phép đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Về thành phần hồ sơ, hiện nay Luật đầu tư năm 2020 mới có hiệu lực nên chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về thành phần hồ sơ, vì vậy hiện nay các bên vẫn căn cứ vào quy định về thành phần hồ sơ tại Luật đầu tư năm 2014 để triển khai cấp Giấy chứng nhận đầu tư, hồ sơ bao gồm những thành phần sau:
– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
– Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
– Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;
– Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
– Các bước thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch Đầu tư;
Bước 2: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, Sở Kế hoạch Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.
2.2. Quy trình thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động đối với bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài
– Điều kiện xin cấp giấy phép hoạt động đối với bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP, bệnh viện cần phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Về quy mô: Bệnh viện đa khoa phải có ít nhất 30 giường bệnh; Bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền phải có ít nhất 20 giường bệnh, riêng đối với bệnh viện chuyên khoa mắt, tâm thần phải có ít nhất 10 giường bệnh.
– Về cơ sở vật chất:
(1) Phải thực hiện việc bố trí các khoa, phòng, hành lang bảo đảm hoạt động chuyên môn theo mô hình tập trung, liên hoàn, khép kín trong phạm vi khuôn viên của bệnh viện;
(2) Đối với bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa bảo đảm diện tích sàn xây dựng ít nhất là 50 m2/giường bệnh trở lên; chiều rộng mặt trước (mặt tiền) bệnh viện phải đạt ít nhất là 10 m;
(3) Có máy phát điện dự phòng;
(4) Bảo đảm các điều kiện về xử lý chất thải y tế theo quy định của pháp luật về môi trường.
– Về thiết bị y tế: Có đủ phương tiện vận chuyển cấp cứu trong và ngoài bệnh viện. Trường hợp không có phương tiện cấp cứu ngoài bệnh viện, phải có hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động và có phạm vi hoạt động chuyên môn về cung cấp dịch vụ cấp cứu hỗ trợ vận chuyển người bệnh.
– Về tổ chức: Các khoa phải có ít nhất 02 trong 04 khoa nội, ngoại, sản, nhi đối với bệnh viện đa khoa hoặc một khoa lâm sàng phù hợp đối với bệnh viện chuyên khoa; Khoa khám bệnh: Có nơi tiếp đón người bệnh, phòng cấp cứu, lưu bệnh, phòng khám, phòng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu); Khoa cận lâm sàng: Có ít nhất một phòng xét nghiệm và một phòng chẩn đoán hình ảnh.
Riêng đối với bệnh viện chuyên khoa mắt nếu không có bộ phận chẩn đoán hình ảnh thì phải có hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động có bộ phận chẩn đoán hình ảnh;
Khoa dược; Các khoa, phòng chuyên môn khác trong bệnh viện phải phù hợp với quy mô, chức năng nhiệm vụ.. Có các phòng, bộ phận để thực hiện các chức năng về kế hoạch tổng hợp, tổ chức nhân sự, quản lý chất lượng, điều dưỡng, tài chính kế toán và các chức năng cần thiết khác.
– Về nhân sự: Số lượng người hành nghề làm việc toàn thời gian (cơ hữu) trong từng khoa phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% trên tổng số người hành nghề trong khoa; Trưởng các khoa chuyên môn của bệnh viện phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa đó và phải là người hành nghề cơ hữu tại bệnh viện;
Trưởng khoa khác không thuộc đối tượng cấp chứng chỉ hành nghề phải có bằng tốt nghiệp đại học với chuyên ngành phù hợp với công việc được giao và phải là người hành nghề cơ hữu tại bệnh viện.
– Danh mục các hồ sơ, giấy tờ cần chuẩn bị để thành lập bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài
Hiện nay, áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định 109/2016/NĐ-CP, khi thành lập bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài cần chuẩn bị những hồ sơ, tài liệu như sau:
(1) Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động;
(2) Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc văn bản có tên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài;
(3) Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người phụ trách bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
(4) Danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm đăng ký người hành nghề và người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề);
(5) Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
(6) Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của một trong các hình thức tổ chức;
(7) Điều lệ tổ chức và hoạt động của bệnh viện dự kiến thành lập;
(8) Bản sao hợp lệ hợp đồng vận chuyển người bệnh đối với bệnh viện, nhà hộ sinh không có phương tiện vận chuyển cấp cứu ngoài cơ sở;
(9) Tài liệu thể hiện danh sách các danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
– Trình tự thực hiện việc xin cấp giấy phép hoạt động bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài:
Theo quy định tại Điều 47 Luật Khám chữa bệnh 2009, thủ tục này được thực hiện như sau: Nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ cho Bộ Y tế hoặc Bộ Quốc phòng hoặc Sở Y tế tùy thuộc vào quy mô và loại bệnh viện; Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp; nếu không cấp giấy phép hoạt động thì phải trả lời bằng văn bản và nêu lý do.
2.3. Thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp kinh doanh bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài
Sau khi nhà đầu tư được cấp phép hoạt động bệnh viện, nhà đầu tư cần phải thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp, theo đó tương ứng với mỗi loại hình Công ty (TNHH hay Công ty cổ phần) mà nhà đầu tư sẽ chuẩn bị hồ sơ khác nhau, bao gồm các giấy tờ sau:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
– Điều lệ công ty;
– Danh sách thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên)/ Danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần);
Sau khi hoàn thành việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu trên, nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc sở kế hoạch đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Sau thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty kinh doanh bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài.

Bài viết tham khảo:
công ty điện ảnh có vốn đầu tư nước ngoài
công ty quảng cáo có vốn đầu tư nước ngoài
Chuyên mục: Tư vấn đầu tư
Trên đây là nội dung bài viết của Công ty Luật Thành Đô về “Thủ tục thành lập bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài” theo các quy định của pháp luật hiện hành. Nếu còn bất kỳ vướng mắc nào liên quan, Qúy khách vui lòng liên hệ qua tổng đài tư vấn 0919 089 888 để được Luật sư của chúng tôi tư vấn cụ thể hoặc liên hệ trực tiếp để được sử dụng dịch vụ.
Luật Thành Đô tin tưởng với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, chúng tôi sẽ làm hài lòng Qúy khách hàng.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn