- Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp
- Ngày đăng: 17/08/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Khi góp vốn vào doanh nghiệp, ngoài việc góp bằng tiền, vàng, ngoại tệ, tổ chức, cá nhân còn có thể góp vốn bằng tài sản cố định. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ trình tự góp vốn bằng tài sản cố định. Trong bài viết dưới đây, Luật Thành Đô sẽ giúp Quý khách hiểu rõ hơn về vấn đề này.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Doanh nghiệp 2020;
– Thông tư 45/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định;
– Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng;
– Các văn bản pháp luật có liên quan khác.
II. TÀI SẢN CỐ ĐỊNH LÀ GÌ?
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 45/2013/TT-BTC, tài sản cố định được hiểu như sau:
– Tài sản cố định hữu hình: là những tư liệu lao động chủ yếu có hình thái vật chất thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định hữu hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh nhưng vẫn giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu như nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải…
Tài sản cố định hữu hình phải đáp ứng đồng thời 3 tiêu chuẩn sau:
+ Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
+ Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;
+ Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên.
– Tài sản cố định vô hình: là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh, như một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng; chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả…
III. TRÌNH TỰ GÓP VỐN BẰNG TÀI SẢN CỐ ĐỊNH VÀO DOANH NGHIỆP
Bước 1: Định giá tài sản
TH1: Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp
– Do thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận;
– Hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá; phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Trường hợp tài sản được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
TH2: Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động
– Do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá;
– Hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá; phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Bước 2: Ký hợp đồng góp vốn
Các bên ký kết hợp đồng góp vốn. Trường hợp đối tượng của hợp đồng là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc nhà ở thì hợp đồng cần phải được công chứng.
Bước 3: Chuyển quyền sở hữu tài sản cho doanh nghiệp
– Trường hợp tài sản không cần đăng ký, tổ chức, cá nhân góp vốn bàn giao tài sản cho công ty (phải có biên bản bàn giao tài sản)
– Trường hợp tài sản phải đăng ký, tổ chức, cá nhân góp vốn và doanh nghiệp tiến hành thủ tục đăng ký tài sản theo quy định. Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không chịu lệ phí trước bạ.
Các bên phải lập bộ chứng từ góp vốn tương ứng với đối tượng người góp vốn như sau:
– Trường hợp người góp vốn là tổ chức, cá nhân không kinh doanh:
(1) Biên bản chứng nhận góp vốn
(2) Biên bản giao nhận tài sản.
– Trường hợp người góp vốn là tổ chức, cá nhân kinh doanh:
(1) Biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh,
(2) Hợp đồng liên doanh, liên kết;
(3) Biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật),
(4) Kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.
Sau khi chuyển quyền sở hữu tài sản, doanh nghiệp cấp cho tổ chức, cá nhân góp vốn giấy chứng nhận phần vốn góp hoặc giấy chứng nhận sở hữu cổ phần.
Bài viết liên quan chủ đề góp vốn bằng tài sản cố định:
Vốn pháp định là gì? Các ngành nghề yêu cầu vốn pháp định
Những việc cần làm sau khi thành lập công ty cổ phần
Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô về vấn đề Trình tự góp vốn bằng tài sản cố định vào doanh nghiệp, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 qua tổng đài 1900 1958 để được hỗ trợ giải đáp.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn